Mẹo giúp cải thiện chất lượng âm thanh Spotify cho giới audiophile

So với Tidal thì Spotify vẫn kém hơn hẳn về chất lượng âm thanh. Phần mềm được chúng tôi giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc “mở” ra một tính năng có thể giúp Spotify đến gần đối thủ của mình hơn… một chút.

Từng sử dụng cả Tidal và Spotify, tôi có thể dám chắc với bạn đọc rằng chất lượng âm nhạc của Spotify khá… dở khi so sánh với đối thủ đắt giá (10 USD/tháng) của mình. Cùng một bộ DAC/amp và tai nghe, âm thanh của Tidal thì trong trẻo, âm thanh của Spotify thì có cảm giác hơi bí và thi thoảng có cảm giác sạn. Nếu không vì quá nhiều tính năng hay ho trong trải nghiệm mà Tidal không thể nào cung cấp nổi, chắc chắn tôi đã không chọn Spotify.

Một trong những điểm vượt trội của Tidal so với Spotify là khả năng chơi nhạc qua chế độ exclusive. Nói nôm na thì thông thường các tín hiệu âm thanh từ ứng dụng sẽ phải đi qua lớp trung gian (gọi là Direct Sound) của Windows – một trong những tác nhân gây nhiễu tín hiệu và làm giảm chất lượng âm thanh. Để giải quyết vấn đề này, giới chơi âm thanh thường sử dụng các công nghệ như ASIO hoặc Wasapi để gửi thẳng tín hiệu số tới bộ DAC của họ trên một kênh duy nhất (exclusive – “riêng, độc quyền”), nhờ đó loại bỏ ảnh hưởng của Windows. Một lợi ích khác khi sử dụng Exclusive Mode là người nghe sẽ không bị mất tập trung (hay giật mình) do âm báo notification từ Windows hay các ứng dụng.

 

 Giới chơi âm thanh ai cũng biết Exclusive Mode, vốn có trên Foobar, JRiver và cả ứng dụng client của Tidal.

Giới chơi âm thanh ai cũng biết Exclusive Mode, vốn có trên Foobar, JRiver và cả ứng dụng client của Tidal.

Do là dịch vụ dành cho audiophile nên Tidal có sẵn tính năng Exclusive Mode. Đáng tiếc rằng Spotify thì không có tùy chọn tương tự: các audiophile buộc phải chấp nhận tín hiệu nhạc của họ sẽ bị Windows “làm bẩn”. Nếu max volume để đảm bảo số bit được truyền tới DAC là nhiều nhất có thể, họ sẽ bị giật mình khi Windows “nhắc” Update.

Tệ nhất là Spotify đang tỏ ra hoàn toàn hờ hững với nhóm người dùng audiophile của mình. Rất nhiều yêu cầu hỗ trợ đã được đưa lên trang cộng đồng của Spotify trong nhiều năm qua, nhưng dịch vụ này vẫn chưa hề bộc lộ bất cứ dấu hiệu nào về việc hỗ trợ chế độ exclusive trên ứng dụng của mình.

Lời giải Fidelify

May mắn thay, một tín đồ đặc biệt của Spotify đã có câu trả lời. Hãy truy cập vào fidelify.net và tải ngay ứng dụng này về. Sau khi cài đặt, bạn có thể đăng nhập bằng tài khoản Spotify (phải là Premium) và mở ra giao diện Fidelify:

 

Như bạn có thể thấy, giao diện này vẫn còn khá đơn sơ. Trong khi ứng dụng chính thức của Spotify sẽ cung cấp cả “kho” nhạc, Fidelify chỉ cho phép bạn mở các danh sách nhạc (Playlist) đã tạo từ dịch vụ chính. Nếu đã có thay đổi danh sách nào đó, bạn cần nhấn vào nút Refresh Playlist ở phía dưới.

Thậm chí, Fidelify còn không cho phép mở các danh sách bạn follow của người khác, thay vào đó chỉ hiển thị các playlist chính bạn tạo ra. Lý do là bởi ứng dụng (độc lập) này chỉ được truy cập vào một lượng dữ liệu rất nhỏ trên API của Spotify tạo ra.

 

Chơi nhạc qua ASIO hoặc WASAPI.
Chơi nhạc qua ASIO hoặc WASAPI.

Bù lại, Fidelify có thể cho bạn thứ duy nhát bạn đang tìm kiếm: khả năng chơi exclusive mode với DAC. Trong mục Settings của Fidelify, bạn có thể chọn ASIO hoặc WASAPI tùy theo thiết bị của bạn. Nếu thiết bị có hỗ trợ ASIO, hãy sử dụng ASIO thay vì WASAPI.

 

Mua Spotify hay Tidal?

Vậy hiệu quả thực tế ra sao? Câu trả lời có lẽ sẽ phải tùy vào đôi tai từng người, song cá nhân tôi cho rằng ngay cả khi đã dùng Fidelify phát qua ASIO, chất lượng nhạc của Spotify vẫn còn thua kém cả AAC 256kps mua từ iTunes. Khoảng cách với Tidal vẫn là “một trời một vực”, đến mức mà cả những người nghe “không chuyên” vẫn có thể nhận ra.

 

 Nếu muốn thỏa mãn tình yêu âm nhạc và thú vui hi-fi, có lẽ bạn nên mua cả Spotify lẫn Tidal...

Nếu muốn thỏa mãn tình yêu âm nhạc và thú vui hi-fi, có lẽ bạn nên mua cả Spotify lẫn Tidal…

Vậy thì audiophile có nên mua Tidal? Tôi cũng không chắc, bởi Tidal quá đắt và thiếu quá nhiều nhạc, trong đó kho nhạc Việt thậm chí còn ít hơn cả Spotify nữa. Mỗi bên đều có điểm yếu riêng, không có dịch vụ stream nào là hoàn hảo và phục vụ cho tất cả mọi nhu cầu từ người dùng cả. Nếu bạn chọn Spotify, hãy chấp nhận rằng chất lượng âm thanh sẽ ít nhiều gây thất vọng và ngay cả ASIO cũng chỉ giúp cải thiện rất ít mà thôi.

Liam Trí Thức Trẻ